Tác phẩm “Vũ khúc mùa xuân” lấy ý tưởng nguồn cảm hứng từ Sử thi Đẻ đất Đẻ nước của người Mường với ngôn ngữ tạo hình là hình tượng cách điệu của các linh thú có trong sử thi như hình tượng Chim Ây, chim Ứa, hình tượng cá nước, hình tượng con rùa, quả trứng và sự kết hợp có nhịp điệu của họa tiết hoa văn thổ cẩm đặc trưng của người dân tộc Mường.
Tác Phẩm được Họa sĩ Phạm Xuân Hải - Viện trưởng Viện Mỹ thuật ứng dụng Việt Nam thể hiện qua ngôn ngữ tạo hình theo phong cách tranh lập thể trừu tượng, đặc trưng văn hóa mo mường, hình họa tiết được chia thành nhiều mảng nhỏ, sắp xếp ngẫu nhiên và chồng chéo lên nhau, không theo một trật tự nhất định, trên cùng một mặt phẳng tạo lên những xúc cảm về màu sắc, bố cục nhịp điệu về tạo hình nghệ thuật cho người cảm nhận.
Trong Sử thi Đẻ đất - Đẻ nước phản ánh đôi chim Ây - chim Ứa đẻ ra Trứng Điếng ấp trứng trong hang đá (hang Henh - hang Hao), trứng nở ra muôn loài trong đó có con người. Người đứng ra cầm binh, cầm mường đầu tiên của người Mường (Lang) được biết đến chính là Tá Cài, Tá Cần và nàng Út Dạ Kịt ở trong hang đá… những chi tiết phản ánh rất rõ trước kia con người đã có giai đoạn lâu dài sinh sống trong các hang đá trước khi biết dựng nhà, lập nên mường.
Cũng trong Sử thi - Đẻ đất đẻ nước qua câu chuyện Lang Cun Tá Cần bắt được Rùa núi trong một cuộc đi săn tập thể do ông cầm đầu, Rùa van lạy và xin chuộc mạng bằng cách hứa truyền cho lang cun Tá Cần kỹ thuật dựng nhà sàn. Rùa đứng thẳng lên, bốn chân là bốn cột cái, hai vỉa sườn là hai mái nhà, xương sống là đòn nóc, xương sườn là rui, miệng và đuôi là hai lối ra vào. Tá Cần cùng quân hầu theo hướng dẫn của rùa nhưng khi nhà dựng lên lại đổ ngay. Cho rằng Rùa đã đánh lừa, lang cun Tá Cần cho bắt rùa lần nữa, Rùa đành phải nói hết bí mật: Cột kèo bằng gỗ sấu, gỗ lim, mái lợp tranh, lạt buộc bằng giang. Kiến trúc ngôi nhà sàn cổ người Mường ra đời từ đấy với khối mái cùng những cột cái vững chắc, hai cửa ra vào ở hai đầu chái.
Con thú, con cá mang ý nghĩa biểu trưng tiêu biểu cho văn hóa, tín ngưỡng, tập tục, lối sống gắn liền với đời sống lao động sản xuất thường ngày của người Mường, đồng thời là biểu đạt hình tượng mang tính thiêng được ông Mo sử dụng trong các nghi thức diễn xướng Mo Mường. Hình tượng cờ con Muông, con Cá trong được ông Mo diễn xướng để dẫn linh hồn người quá cố biết đường đi lối về, biết đến thời kỳ đại hồng thủy nước lụt nước cạn, biển tiến biển lùi…
Cạp váy người Mường
Cạp váy không chỉ hiển hiện ở hoa văn và màu sắc tách riêng. Cạp váy gắn bó hàng ngày với người phụ nữ Mường, vào thời nhà lang cai trị trong xã hội mường xưa, nhìn vào cạp váy của người phụ nữ là có thể đoán biết được đẳng cấp xã hội của họ thuộc tầng lớp trên hay tầng lớp dưới. Cạp váy do ba bộ phận dệt riêng rồi can lại với nhau, hoa văn hình động vật như: rồng, hươu, ếch, rùa, công, con phượng đến những hình thù đơn giản của hoa trái như quả mê, quả trám, quả sởng… Cạp váy và hoa văn cạp váy không chỉ là một bộ phận trang phục, có vị trí quan trọng bậc nhất trong nghệ thuật trang trí cổ truyền của dân tộc Mường. Nhìn vào cạp váy của người Mường, bắt gặp những nét họa tiết tương đồng trong nghệ thuật điêu khắc trên trống đồng thời Đông Sơn. Nó được thêu dệt tỉ mỉ và cẩn thận, là hiện thân sự khéo léo của phụ nữ Mường.
Bằng sự tinh tế và tài năng Họa sĩ Phạm Xuân Hải đã khéo léo thể hiện qua các hình thể nghệ thuật của văn hóa Mường kết hợp với sự phối hợp của nhịp điệu màu sắc đã tạo nên cho người xem những cảm xúc nghệ thuật thật đặc sắc.